Monday, July 16, 2007

Giải pháp cho tranh chấp đất đai?

10 Tháng 7 2007 - Cập nhật 09h54 GMT

Giải pháp cho tranh chấp đất đai?


Người dân từ các tỉnh lên TP. HCM, hy vọng chính quyền trung ương quan tâm
Tranh chấp đất đai tiếp tục là vấn đề phức tạp ở Việt Nam.
Mặc dù báo chí nhà nước gần như im lặng trước cảnh người dân nông thôn lên Hà Nội hay TP. HCM khiếu kiện, nhưng mới đây chính phủ Việt Nam cũng phải lên tiếng thừa nhận vấn đề đang nóng lên.

Một công điện ngày 4-7 của Thanh tra Chính phủ thừa nhận từ cuối tháng Sáu đến nay, tình hình khiếu tố của công dân diễn ra "gay gắt, phức tạp."

Bức công điện gửi cho 11 tỉnh và thành phố nói rõ: "Nhiều đoàn đông người, có tổ chức, kéo đến các cơ quan, công sở và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô Hà Nội."

Trong khi đó, trong gần 20 ngày nay, nhiều nông dân từ các tỉnh thành đã tụ tập biểu tình trước cửa văn phòng quốc hội 2 tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm gây sức ép đòi giới chức phải giải quyết những khiếu nại của họ.

Có giải pháp lâu dài nào cho những tranh chấp đất đai ở Việt Nam?

Lê Quỳnh của BBC đã có cuộc phỏng vấn với GS. Haroon Akram-Lodhi, dạy tại Khoa Nghiên cứu Phát triển Quốc tế thuộc Đại học Trent, Ontario, Canada.

Trước đó, từ 1995 đến 2006, ông là phó giáo sư ngành Phát triển Nông thôn ở Viện Nghiên cứu Xã hội, Hague, Hà Lan.

Đã viết nhiều về chính sách đất đai của Việt Nam, GS. Haroon Akram-Lodhi, từ 1999 đến 2002, cũng là Trưởng dự án cao học Việt Nam - Hà Lan.

Haroon Akram-Lodhi: Gốc rễ của vấn đề tương đối khác nhau tùy theo từng vùng, và đặc biệt là giữa vùng ven quanh Hà Nội và TP. HCM mà đang trong quá trình đô thị hóa, khu vực Tây Nguyên, và vựa lúa ở đồng bằng sông Hồng và sông Mekong.

Tại các khu vực ven đô đang bắt đầu đô thị hóa, mặc dù quyền sở hữu bất động sản trên lý thuyết thì chắc chắn hơn so với Trung Quốc, các xã địa phương vẫn có sự tùy ý khá lớn khi thu hồi đất với giá thấp hơn giá thị trường. Điều này có nghĩa là việc lấy đất trở thành nguồn thu quan trọng từ tham nhũng, và nhiều tranh chấp ở Việt Nam, đặc biệt là các vụ phản đối xảy ra ở Hà Nội hay TP. HCM, phản ánh sự cưỡng lại của nông dân trước hành vi tham nhũng của chính quyền địa phương.


Đất ngày càng có giá, đồng thời nhiều người vẫn nghèo đi

Tại cao nguyên Trung phần, cũng tồn tại tham nhũng, nhưng gốc rễ vấn đề còn dính dáng đến cách thức chia đất cho các di dân chuyển đến vùng này gây thiệt thòi cho người dân tộc sở tại. Trong nhiều trường hợp, phương thức canh tác của người dân tộc sở tại lại khác biệt với phương thức mà Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề nghị.

Tại khu vực đồng bằng, lại nảy sinh vấn đề là càng ngày đất nông nghiệp càng thu hẹp. Nhiều người cho rằng chuyện này phản ánh sự thịnh vượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, với nhiều người khác, tôi nghĩ, nó phản ánh sự túng quẫn vì nợ nần. Người nông dân muốn chính quyền địa phương giải quyết sự túng quẫn của họ, nhưng đã không được, một phần bởi vì chính các đảng viên ở địa phương đã lấy thêm đất cho mình – ở nông thôn, nhiều đảng viên cũng là các nông gia lớn.

Nhiều người cho rằng những thất bại như vậy trong việc “điều hành” nông thôn là do thiếu bộ máy tư pháp độc lập, thiếu những khế ước vững chắc về pháp lý. Hệ thống pháp quyền bị chính trị hóa nặng nề, nhất là tại nông thôn. Tôi đồng ý với nhận xét này, nhưng tôi cũng muốn nói rằng vấn đề không chỉ có vậy. Ta cần lưu ý đến sự bất bình đẳng gia tăng ở nông thôn, và giữa thành phố và nông thôn mà chính phủ hầu như bất lực – và thực sự họ cũng không muốn giải quyết vì có quá nhiều cán bộ địa phương hưởng lợi từ sự bất bình đẳng ở nông thôn.

BBC:Dựa trên quan sát của ông, ông dự đoán các tranh chấp đất đai ở Việt Nam có trở nên tồi tệ hơn, đến mức như tình trạng ở Trung Quốc không?

Những mâu thuẫn về đất đai ở Trung Quốc được biết đến nhiều, nghiên cứu nhiều – con số mà tôi thường dẫn là khoảng 87.000 vụ mỗi năm.


Quan hệ giữa đảng và thu vén tài sản gắn bó quá mật thiết, thành ra, chống tham nhũng có nghĩa là rốt cuộc phải giải quyết vị trí của đảng trong bộ máy nhà nước


Haroon Akram-Lodhi

Tại Việt Nam, chúng ta không biết rõ tầm mức của vấn đề. Tuy nhiên, đế tranh chấp đất đai đạt đến quy mô như người ta chứng kiến ở Trung Quốc thì ở Việt Nam chỉ cần có khoảng 5075 vụ mỗi năm. Tôi phỏng đoán – nhưng tôi chưa có đủ dữ liệu chứng minh – là tranh chấp đất đai mỗi năm lại tăng lên. Nói cách khác, tôi tin rằng tình hình tranh chấp đất đai ở Việt Nam đã tới mức còn tồi tệ hơn ở Trung Quốc.

BBC:Liệu có giải pháp nào cho tình trạng hiện nay, hay đó là kết quả không tránh khỏi của quá trình chuyển đổi ở Việt Nam?

Ở nông thôn Việt Nam, sự bất bình của người nông dân diễn ra rất thận trọng. Tôi nói thận trọng theo cái nghĩa là rất hiếm khi người dân phản đối nhà nước hay Đảng.

Sự bất bình thường nhắm đến những cá nhân cụ thể (mặc dù cũng có những vụ được ghi chép rõ, cho thấy người dân phá hoại tài sản của nhà nước, và cán bộ bị dân bắt nhốt lại.)


Nhiều người trong đảng và chính phủ biết rằng hệ thống hiện nay không bền vững. Nó sẽ sụp đổ, chỉ còn vấn đề thời gian mà thôi. Vì thế họ sử dụng quan hệ để tranh thủ kiếm tiền.


Haroon Akram-Lodhi

Một phần, điều này phản ánh tính chất tản quyền cao độ của nhà nước Việt Nam – tại đa số vùng, quan chức điều hành chủ yếu cũng là người địa phương. Người ta quen biết nhau, là hàng xóm của nhau, và dân phẫn nộ khi những người họ quen lại làm giàu nhờ quyền chức. Thế nên vấn đề mang tính cá nhân, đặc biệt là ở nông thôn. Nó có tác động quan trọng cho chính phủ - dân bất bình nhưng không đặt vấn đề với cả hệ thống. Như vậy, nếu chính phủ thực sự nỗ lực chống tham nhũng, vấn đề sẽ được giảm rất nhiều.

Tuy nhiên, và điều này rất quan trọng, tham nhũng lại tràn lan. Quan hệ giữa đảng và thu vén tài sản gắn bó quá mật thiết, thành ra, chống tham nhũng có nghĩa là rốt cuộc anh phải tìm cách giải quyết vị trí của đảng trong bộ máy nhà nước. Mà chuyện này là không thể làm được trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, theo ý riêng của tôi, nhiều người trong đảng và chính phủ biết rằng hệ thống hiện nay không bền vững. Nó sẽ sụp đổ, chỉ còn vấn đề thời gian mà thôi. Vì thế họ sử dụng quan hệ để tranh thủ kiếm tiền trước khi sự bảo trợ chấm dứt. Điều này giải thích nhiều điều, ví dụ, vì sao khu vực tư nhân ở Việt Nam được xây dựng bởi những người có quan hệ với đảng, để họ vẫn tồn tại và tài sản của họ vẫn giữ nguyên cả sau khi hệ thống đã sụp đổ. Khi nhìn theo hướng này, ta thấy không phải là ngẫu nhiên mà những người có nhiều đất nhất ở nông thôn luôn là những người có quan hệ với chính phủ hoặc đảng (hoặc cả hai).

Vấn đề đối với Đảng Cộng sản, nhìn từ góc độ bền vững, là sự cầm quyền của nhà nước dựa trên khả năng đem lại giàu có cho nông thôn. Nếu vì bất cứ lý do gì điều này bị nông dân nghi ngờ, sẽ có những ảnh hưởng cho ổn định xã hội mà đảng nhận thức rất rõ. Vì thế họ phải giải quyết bất ổn ở nông thôn, và giải pháp của họ là nâng mức sống cho nông thôn – giống như ở Trung Quốc. Nhưng họ không đụng đến những bất bình về đất đai, và vì thế nó không giải quyết những vấn đề mang tính hệ thống mà nông thôn Việt Nam đang gặp phải.

Tóm lại, có giải pháp nào không? Về lý thuyết thì có. Trên thực tế, tôi không thấy có giải pháp nào.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/07/070710_land_disputes_interview.shtml

No comments: