Thursday, July 19, 2007

Nội dung Quyết nghị của Quốc hội Âu Châu về tình hình nhân quyền Việt Nam

Nội dung Quyết nghị của Quốc hội Âu Châu về tình hình nhân quyền Việt Nam
2007.07.14
Ỷ Lan, phóng viên đài RFA

Khóa họp toàn thể của Quốc hội Châu Âu hôm thứ Năm 12-7 đã thông qua một “Quyết Nghị về vấn đề nhân quyền Việt Nam”. Để tìm hiểu về các điểm quan trọng của Quyết nghị này, mời qúi vị theo dõi tường trình của phóng viên Ý Lan gửi về, với ý kiến của Tiến sĩ Charles Tannock, Dân biểu Quốc hội Châu Âu.

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
Tải xuống để nghe

Quyết nghị về Việt Nam

Ỷ Lan: Kính chào Tiến sĩ Charles Tannock, là Dân biểu lỗi lạc tại Quốc hội Châu Âu , xin ông giải thích vì sao Quốc hội Châu Âu thông qua Quyết nghị về vấn đề Việt Nam, nội dung có những điểm nào quan trọng?

Hoà thượng Thích Quảng Độ, một trong các tiếng nói đối kháng tại Việt Nam được Quốc hội Âu Châu đặc biệt quan tâm. RFA file photo.
Dân biểu Charles Tannock: Sự kiện là đã có nhiều Dân biểu trong chúng tôi ngỏ ý muốn đưa Việt Nam vào nghị trình để tiến tới một Quyết nghị mới. Trong quá khứ nhiều Quyết nghị về Việt Nam đã ban hành. Hồi tháng 5, Chủ tịch Quốc hội Châu Âu đã cất lời tuyên bố phản đối Việt Nam. Chỉ mấy tháng vừa qua, từ tháng 3 năm nay, hơn 15 nhà bất đồng chính kiến bị kết án tù nặng nề hay quản chế.

Vì vậy, chúng tôi thấy đây là thời điểm cho một Quyết nghị mới, đặc biệt là Việt Nam đang tiến hành một thứ "chiến dịch ve vãn" - cao giọng đánh bóng họ trên trường quốc tế làm như họ đã chấm dứt cung cách đàn áp trong quá khứ đối với giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động đòi hỏi dân chủ, giới tôn giáo trong dân tộc ít người, v.v... Nhờ vậy mà Việt Nam đã được gia nhập Tổ chức Thượng mại Thế giới và được Hoa Kỳ rút tên khỏi danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo (CPC).

Cho nên, chúng tôi muốn thông báo cho công luận Châu Âu và giới gây dư luận biết rằng mọi sự không tốt đẹp như Việt Nam muốn vẽ ra chân dung họ, mà Việt Nam vẫn còn tiếp diễn những cuộc đàn áp, đặc biệt đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đối với Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và người phụ tá hành động của ngài, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Năm nay tôi đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình, và tôi cũng đang vận động cho Hòa thượng lãnh Giải Sakharov của Quốc hội Châu Âu trong số những ứng viên được đề cử, với ước mong làm nổi bật nhân cách ngài.

Trong số bị đàn áp, còn có trường hợp Cha Lý là một Linh mục Công giáo, bị 8 năm tù giam, và một số người trong nhóm thiên dân chủ thuộc giới thế tục, chứ không là tu sĩ, cũng bị đàn áp. Dường như đây là những yếu tố đang hình thành xã hội dân sự, bao gồm những luật sư, nhà báo, trí thức, nhà văn, vân vân... Họ cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp. Nói tóm, Việt Nam vẫn còn là một chính quyền giữ nguyên não trạng cộng sản Stalinít, độc tài, không chịu chấp nhận kiểu thức Tây phương về tự do dân chủ trên đất nước họ.

Ỷ Lan: Bản Quyết nghị của Quốc hội Châu nhấn mạnh sự kiện các nhà bất đồng chính kiến bị kết án dưới điều luật "an ninh quốc gia", và cũng nhắc tới Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mang số 44 cho phép công an quản chế hành chính những ai bị nghi ngờ chống đối nhà nước mà không thông qua tòa án, đặc biệt còn cho phép đưa vào bệnh viện tâm thần. Ông nghĩ sao về điều này?
Dân biểu Charles Tannock: Đây là điểm đáng chú ý, vì chính là điều mà Liên Xô cũ ứng dụng. Nếu ai đó dám phê bình chính phủ cộng sản dưới triều đại Xô Viết ở Nga, thì tức khắc họ bị chở vào bệnh viện tâm thần.

Bản thân tôi là chuyên gia về tâm thần học, và tôi còn nhớ chúng tôi từng nghiên cứu về thứ hội chẩn kỳ quặc của Xô Viết gọi là "bệnh tâm thần phân liệt lờ đờ", chỉ áp dụng trong các nước cộng sản mà thôi. Khi ai đó phủ nhận chủ nghĩa Cộng sản/chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa hiện hành trong một nhà nước hiện đại, thì tức khắc kẻ đó mắc tội "ảo tưởng". Vì tội này họ bị xem như rối loạn thần kinh, và hiển nhiên là họ bị đưa đi nhốt kỹ.

Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mang số 44 thuộc loại xử lý nói trên, cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách tung hỏa mù. Vì trong quá khứ Việt Nam đã bị Ủy ban Nhân quyền LHQ và các cơ quan khác của LHQ tố cáo thứ pháp lý đàn áp căn cứ trên điều luật an ninh quốc gia, mà hiện nay họ phải chịu hủy bỏ một phần nào. Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu nhắc tới sự bãi bỏ Nghị định quản chế hành chính 31/CP, thì nay Việt Nam lại khôn khéo gìn giữ thứ pháp chế cũ thông qua Pháp lệnh số 44 cho phép họ giam giữ tùy hứng giới bất đồng chính kiến.

Liên Hiệp Châu Âu và vấn đề Việt Nam

Ỷ Lan: Liên hiệp Châu Âu là đối tác kinh doanh quan trọng nhất của Việt Nam, và Liên Âu cũng vừa gia tăng 30% tài trợ cho Việt Nam. Theo ông, việc tài trợ sẽ giúp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, hay ông nghĩ rằng Liên hiệp Châu Âu còn phải làm gì khác ?
Dân biểu Charles Tannock: Đúng là Liên hiệp Châu Âu vừa tăng ngân sách tài trợ 304 triệu Euros cho tài khóa 2007 - 2013. Dù Việt Nam muốn hay không muốn, điều rất, rất quan trọng là dùng số tiền này để hậu thuẫn cho xã hội dân sự và những nhà hoạt động nhân quyền.

Trong bản Quyết nghị chúng tôi kêu gọi phải xem xét lại toàn thể vấn đề của Hiệp ước Hợp tác với Việt Nam dưới ánh sáng của những cuộc đàn áp gia tăng đang xẩy ra tại Việt Nam, và đây là một trong những đọan quan trọng của Quyết nghị. Xét cho cùng, chúng tôi đã có nhiều mức độ đặt điều kiện trong vấn đề doanh thương và hiệp ước tài trợ với quốc gia thứ ba. Khi tình hình trong nước này xấu đi thì chúng tôi có toàn quyền giới hạn việc doanh thương và ngay cả giới hạn việc tài trợ, tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng.

Chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề các dân tộc ít người mà các bạn đồng viện của tôi thường nêu rõ. Ở đây, tôi ca ngợi công lao của Dân biểu Marco Cappatto, ông là người vô địch thường nêu lên hoàn cảnh cộng đồng người Thượng bị nhà cầm quyền Việt Nam phân biệt đối xử.

Ỷ Lan: Việt Nam thường được ca tụng trong việc phát triển kinh tế, nhưng chính giới và giới truyền thông có phần im lặng trên vấn đề vi phạm nhân quyền... Ông nghĩ sao về sự kiện này?
Dân biểu Charles Tannock: Đúng, dường như họ có thái độ như thế, và đây là vấn đề trong toàn thể vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Liên hiệp Châu Âu. Vâng, đúng như vậy, chúng tôi có ý muốn thăng tiến nhân quyền và dân chủ trong đại quan, nhưng lắm khi chúng tôi không nhất quán trong phương cách thể hiện.

Tôi có thể đưa ra một ví dụ, rõ là vấn đề Trung quốc, hiện nay là đối tác quan trọng đứng hàng thứ hai của Liên hiệp Châu Âu. Trung quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, vì vẫn còn là chế độ độc tài cộng sản. Mặc dù đã cách xa với nền kinh tế theo tiêu chuẩn cộng sản, nhưng vẫn giữ nguyên não trạng đàn áp của các chế độ cộng sản, theo đường hướng Stalinnít khi gặp nhóm này hay nhóm kia phê phán. Nhưng hiển nhiên chẳng có ai dám gợi ý cho chúng tôi nên hạn chế kinh doanh với Trung quốc.

Đối với các quốc gia Á Châu, đặc biệt Trung quốc, có người cho rằng chúng tôi phải nhân nhượng trước những hành động tàn bạo của họ để giúp các nước này tăng trưởng kinh tế và trở thành những đối tác kinh doanh chính yếu với chúng tôi. Nhưng riêng tôi, tôi có phần cẩn trọng.

Quan điểm tôi là chúng ta cần nói lên một cách thật cứng rắn, và chúng ta cũng cần tài trợ càng nhiều càng tốt cho việc phát triển các xã hội dân sự, dù các chính quyền này đồng ý hay không. Với các thiết chế mới về Dân chủ và Nhân quyền của Liên hiệp Châu Âu, các nhà hoạt động cho nhân quyền và các xã hội dân sự sẽ được hậu thuẫn mà không cần có sự cho phép của các chính quyền. Như tôi thấy rõ, một điều chắc chắn là Việt Nam còn lâu mới được chấp nhận vào cộng đồng các quốc gia dân chủ trong thế giới.

Ỷ Lan: Thưa Tiến sĩ Charles Tannock, ông có lời gì chia sẻ với các nhà bất đồng chính kiến tôn giáo và chính trị tại Việt Nam hôm nay ?
Dân biểu Charles Tannock: Trước hết tôi có lời ca ngợi sự can đảm của họ. Họ là những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm. Tôi tin rằng Việt Nam là một quốc gia phi thường. Tôi tin rằng chóng hay chầy Việt Nam sẽ tái lập như một quốc gia tôn trọng tự do, tôn trọng nhân quyền và bước lên con đường dân chủ. Chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Ỷ Lan: Xin cám ơn Dân biểu Charles Tannock.

Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Hà Nội chỉ trích Nghị quyết của Quốc hội Âu Châu về tình hình nhân quyền Việt Nam
Hội đồng Giám mục Việt Nam phủ nhận lời tuyên bố của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Hình Cha Lý bị công an bịt miệng được phóng to và đăng trên xa lộ California
Phỏng vấn Dân biểu Quốc hội Na Uy Erna Solberg
Anh Đào Văn Thụy đã đào thoát được sang Cambodia
Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 28-6-2007)
Giải pháp nào sẽ đem nhân quyền đến với Việt Nam?
Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 7-6-2007)
Việt Nam cấm công chức các cấp không được quan hệ, trả lời báo giới
Gửi trang này cho bạn

No comments: