Nhận Định Của Báo Chí Quốc Tế Về Chuyến Đi Mỹ Của Ông Nguyễn Minh Triết
Gửi vào Thứ ba, Ngày 26, Tháng 6 bởi vnkocs
Nhận Định Của Báo Chí Quốc Tế Về Chuyến Đi Mỹ Của Ông Nguyễn Minh Triết
RFI, Paris
Nhật báo lớn của Ba Lan “Gazeta Wyborca”, 11/06/2007 đăng bài “Việt Nam thả những người đối lập trước khi chủ tịch nước đi Washington”. Bài báo nói rằng, Nguyễn Vũ Bình, 39 tuổi, một trong những nhà bất đồng chính kiến chủ chốt, bị tù giam 7 năm vì tội gián điệp khi phê phán hiệp định biên giới giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong năm 2002. Trước đó ông Bình cũng định thành lập một tổ chức độc lập để chống tệ nạn tham nhũng. - Tại Việt Nam hiện nay có hơn 100 tù nhân chính trị - Lời của ông Đoàn Viết Hoạt nói với nhật báo.
Nhật báo “Gazeta Wyborcza” đưa tin của Hãng thông tấn Ba Lan PAP ngày 22/06/2007 cho hay, “Lần đầu tiên một chủ tịch nước của Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh gặp mặt tổng thống George Bush tại Hoa Kỳ. Kéo theo chuyến công du là những cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc bảo vệ nhân quyền bị vi phạm tại Việt Nam”.
PAP nói rằng, Bush xác nhận đã nói chuyện thẳng thắn với Nguyễn về nhân quyền. Sau cuộc gặp mặt với Nguyễn, tổng thống Hoa Kỳ ủng hộ cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Việt Nam. Ông nói rằng, “xã hội sẽ thăng tiến hơn khi người dân được tự do bày tỏ quan điểm của mình và tự do tín ngưỡng". Bản tin cũng nêu lên việc Hà Nội trong những tháng gần đây đã bắt giam hàng loạt người đối lập, trong đó có một linh mục công giáo bị tù 8 năm. Sau áp lực của Hoa Kỳ, trước cuộc viếng thăm của Nguyễn, Hà Nội đã trả tự do cho hai người.
“Những nhà quan sát thấy rằng Nguyễn muốn hạn chế đề tài của thăm viếng ở các vấn đề hợp tác kinh tế của hai nước. Kể từ khi hai bên bình thường hoá quan hệ, trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tăng gấp nhiều lần, trong năm ngoái đạt 8,6 tỷ USD. Nguyễn mang theo hơn 100 nhà doanh nghiệp Việt Nam, trong ngày thứ 5, 21/06, đã ký hiệp ước thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Ông ta nói rằng, đất nước ông đã bỏ lại phía sau vấn đề chiến tranh với Hoa Kỳ trong những năm 1965-1973” – Bản tin PAP viết.
Tờ “Le Figaro” của Pháp ngày 23/06/2007 bình luận: sự kiện chủ tịch Nguyễn Minh Triết trước khi đến Tòa Bạch Ốc đã ghé qua Wall Street là một dấu hiệu của thời cuộc mới. Khi vừa đặt chân lên đất Mỹ, chủ tịch của một nước cộng sản đã đến thăm thị trường chứng khoán và chụp hình với các nhà giao dịch chứng khoán, cũng như cam kết với các nhà đầu tư Mỹ rằng, Việt Nam sẽ rộng mở đôi tay đón tiếp họ. Ông Triết giới thiệu VN như là một đối tác thương mại cần thiết của Hoa Kỳ và ông ca ngợi sự năng động kinh tế của Việt Nam.
Tất nhiên là chuyến đi lịch sử này gặp phải một số “sự cố” mà Le Figaro xem là những âm vang của quá khứ giữa hai nước và của tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tờ báo viết rằng, khi ông Triết mời gọi du khách và các nhà đầu tư đến VN thì ông lại bị vặn hỏi về việc các nhà đối lập bị bắt giam tại Việt Nam.
Để trả lời câu hỏi vì sao Hoa Kỳ không đề cập nhiều đến vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc khi thảo luận với Bắc Kinh về lĩnh vực thương mại , “Le Figaro” đưa ra lời của một chuyên gia về mậu dịch quốc tế nói rằng, “sở dĩ Hoa Kỳ tỏ ra nhạy cảm về hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam là do từ những lý do lịch sử, vì đã có 56 ngàn người Mỹ đã chết trận ở Việt Nam.
Tờ “Libération” của Pháp dành 4 cột ngắn cho chuyến đi của ông Triết và nhấn mạnh trong hàng tựa: “Chuyện làm ăn buôn bán là đề tài kết hợp người Mỹ và người Việt. “Business is businees” một khi VN gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới, cho dù việc đàn áp đối lập đã gia tăng trở lại".
Trên tờ “Le Monde” của Pháp, trong bài tường thuật về chuyến công du của Nguyễn Minh Triết mở đầu với thông tin là, thứ 5 vừa qua, độc giả của “Washington Times” khi mở báo ra đọc thì thấy ngay bức thư của Nguyễn Minh Triết choán cả trang báo, gửi đến những người bạn Mỹ nhân chuyến đi Hoa Kỳ của ông. Bức thư xác định tình hữu nghị giữa hai quốc gia đã có từ ngày thành lập nước Mỹ vì Thomas Jefferson trước khi trở thành tổng thống đã tìm mua lúa Việt Nam cho nông trại của ông ở tiểu bang Virginia. Còn những câu chữ đầu tiên của bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ cũng hiện diện trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà năm 1945.
Cũng như nhận định của “Le Figaro”, báo “Le Monde” cho rằng, ông Triết đã bỏ ra nhiều công sức để đặt chuyến công du dưới góc độ đơn thuần về thương mại. “Le Monde” trích lời của phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc rằng, “ông Bush không thể nào không đề cập đến vấn đề đàn áp nhân quyền tại VN”, lý do là vì cách đây hai tuần, ông Bush vừa mới dự lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản đặt trên một đại lộ của thủ đô Washington.
“Los Angeles Times” ngày 23/06/2007 tường thuật lại cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại tại Dana Point chiều 22/06 trước “St. Regis Monarch Beach Resort”, nơi chủ tịch Triết tổ chức nói chuyện và chiêu đãi các doanh nhân. Cô Tina Tran, một sinh viên 19 tuổi nói với báo “Los Angeles Times” rằng, “phía VN phát triển về mặt kinh tế, nhưng trong lĩnh vực quan trọng nhất, tức là nhân quyền, người dân VN không trở thành “giàu có” hơn”. “Los Angeles Time” cũng cho hay, cảnh sát của Westmister đã nắm được tin qua các đài Việt ngữ nên biết được các địa điểm người Việt tập trung biểu tình để triển khai lực lượng giữ gìn trật tự. Hãng AP cho biết có khoảng 2.500 người tham gia biểu tình và cuộc biểu tình đã diễn ra một cách ôn hoà, không có vụ bắt giữ nào vì gây rối trật tự công cộng. (@vietvungvinh.com)
Nguyễn Minh Triết Tiếp Tục Dối Trá Về Chính Sách Đàn Áp Đối Lập Của CSVN
Lên tiếng trong các cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình CNN và hãng thông tấn AP trước khi rời thủ đô Washington, Chủ tịch CSVN Nguyễn Minh Triết tiếp tục biện minh cho chính sách đàn áp đối lập và vi phạm nhân quyền hiện nay tại Việt Nam. Chủ tịch CSVN xác nhận là trong cuộc hội kiến tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush có đặt vấn đề tôn trọng dân chủ, nhân quyền với ông. Tuy nhiên, theo giải thích của ông Triết với đài CNN: “Hoa Kỳ và Việt Nam có lịch sự khác nhau, hệ thống tư pháp khác nhau cho nên đã có những sự khác biệt về quan điểm và lập luận trên nhiều vấn đề trước mắt”.
Hà Nội vẫn khẳng định là chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị xử lý, chứ không hề có nhân vật bất đồng chính kiến hay tù chính trị tại Việt Nam.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Triết nhìn nhận là chuyến đi của ông đã gặp sự chống đối của Cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Không để bị Hoa Kỳ “ép về nhân quyền”
Trước các áp lực từ cả lập pháp và hành pháp Mỹ trên hồ sơ nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, Chủ tịch CSVN Nguyễn Minh Triết vẫn khẳng định Việt Nam không cần cải thiện tình trạng nhân quyền: "Vấn đề không phải là có cần cải thiện hay không bởi vì Việt Nam có luật pháp riêng và những ai vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý," ông Triết nói khi trả lời phỏng vấn của AP.
Ông Triết nói rằng: “Luật pháp của Việt Nam không thể giống của Mỹ 100% vì khác nhau về hoàn cảnh và lịch sử. Có cách hiểu khác nhau trong vấn đề này".
''Cách tiếp cận vấn đề của chúng tôi là hai bên sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại, trao đổi để tăng sự hiểu biết lẫn nhau," ông Triết nói. "Chúng tôi quyết tâm không vì những sự khác biệt này mà để ảnh hưởng tới những mối quan hệ rất to lớn giữa hai dân tộc, giữa hai nước."
Theo Chủ tịch CSVN, mối quan hệ mà được tăng cường sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Ông Triết cũng nhấn mạnh tới ý nghĩa chiến lược, "Đồng thời là nhân tố tích cực cho hòa bình ổn định ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương."
Cố tình dịch sai?
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu 22-6, Tổng thống Bush cho biết ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền trong cuộc bàn thảo với Chủ tịch CSVN: “'Tôi cũng nói rõ là để quan hệ hai bên phát triển sâu hơn, điều quan trọng là Việt Nam cần phải có các cam kết mạnh mẽ về nhân quyền, tự do và dân chủ. Tôi giải thích là tôi có niềm tin mạnh mẽ là xã hội được thăng tiến khi người dân được phép bày tỏ ý kiến và thờ phượng một cách tự do".
Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà thông dịch viên của ông Triết tránh không dịch chữ 'human rights' (nhân quyền), thay vào đó dùng chữ 'tự do chính trị.'
Chủ tịch CSVN đáp lại: ''Tôi và ngài tổng thống cũng trao đổi rất thẳng thắn, chân tình những vấn đề hai bên còn nhận thức khác nhau, nhất là vấn đề tôn giáo và vấn đề nhân quyền.''
Chữ nhân quyền trong trường hợp này đã được dịch chính xác sang tiếng Anh cho Tổng thống Bush nghe.
Sau thủ đô Hoa Kỳ, ông Triết đến Los Angeles, nơi ông cũng được đông đảo người Việt hải ngoại chào đón bằng các cuộc biểu tình rầm rộ như đã diễn ra tại New York và Washington DC.
Nhưng quan tâm chính của phái đoàn CSVN là giao thương. Tháp tùng chuyến đi của ông Triết là hơn 100 đại diện các doanh nghiệp. Trong dịp này hai bên đã ký thỏa thuận khung về thương mại, TIFA, là lộ trình cho đàm phán mậu dịch tự do. Bên cạnh đó là các hợp đồng kinh tế khác.
(@vietvungvinh.com)
http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4209
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment