Sunday, June 17, 2007

Nhận định trong- ngoài nước về chuyến công du Hoa Kỳ của ông Nguyễn Minh Triết

Nhận định trong- ngoài nước về chuyến công du Hoa Kỳ của ông Nguyễn Minh Triết
2007.06.17
Việt Hùng, thông tín viên đài RFA


Liên quan đến chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu nhà nước Việt Nam ông Nguyễn Minh Triết từ ngày 18 – 23-06 tới đây, Việt Hùng của Ban Việt ngữ có bài ghi nhận, nhận định của một số nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại.
Bấm vào đây để nghe cuộc hội luận này
Tải xuống để nghe

Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đón tiếp Tổng thống Bush tại Hà Nội hôm 18-11-2006. AFP PHOTO.
Chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Nhà nước Việt Nam ông Nguyễn Minh Triết hiện đang là đề tài được giới truyền thông cả trong và ngoài nước quan tâm.
Nếu lấy cái mốc sau ngày 30-04-75 thì đây là chuyến Mỹ du lần đầu tiên một người đứng đầu nhà nước Việt Nam nếu không kể trước đây ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước cũng từng đặt chân tới Hoa Kỳ vào năm 1995 nhưng là trong khuôn khổ đi dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

Vào tháng 11 năm ngoái khi đến Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, hai bên Hoa Kỳ - Việt Nam đã thỏa thuận về thời điểm chuyến đi của ông Nguyễn Minh Triết theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush. Thế tuy nhiên với dư luận, thời điểm mà ông Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ không mấy thuận về những phản ứng ngoại giao từ thủ đô Washington.

Việc Hà Nội gần đây đưa một số các nhà đấu tranh dân chủ ra Toà xét xử, kết tội họ chỉ vì những quan điểm chính trị trái ngược với nhà nước Việt Nam vô hình chung đã làm “nóng” bầu không khí cho chuyến đi. Tiến sĩ chính trị học Âu Dương Thệ từ Cộng hoà Liên bang Đức đưa ra nhận định về vấn đề này.

Gặp nhiều khó khăn
Ông Âu Dương Thệ: Chuyến đi này diễn ra không được “thuận buồm xuôi gió” mà ngược lại chuyến đi đã bị những trận “cuồng phong chính trị” từ nhiều hướng tấn công.
Từ đầu năm nay phe bảo thủ trong Bộ chính trị đã cho bắt nhiều nhà đối kháng ở trong nước torng đó có những chuyên viên trẻ được cảm tình của chính giới Mỹ như là để muốn thử phản ứng của chính quyền Bush.

Trong một thời gian cân nhắc Tổng thống Bush đã có hành động rất “ngoạn mục” là cuối tháng 5 vừa qua đã mời đại diện bốn đại diện ngươì Việt trong cộng đồng tới nói chuyện ngay trong phòng làm việc, đồng thời chính phủ Mỹ cũng viết thư mời ông Phương Nam-Đỗ Nam Hải, một nhà dân chủ trẻ ở trong nước tham dự cuộc nói chuyện nhưng bị trở ngại…

Bạn nghĩ gì trước các tin tức liên quan đến chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Minh Triết? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org
Đây là một hành động chính trị ngoại lệ chưa từng có từ trước đến nay vì trong số 4 người được mời có hai đại diện cho hai chính đảng (đảng Việt Tân và đảng Dân Chủ Nhân Dân) đã bị chế độ Hà Nội kết án là đại diện cho các tổ chức khủng bố…
Cung cách tiếp đó một cách “bất bình thường”cùng cách nói “nửa đóng nửa mở” của Tổng thống Bush trong cuộc gặp có tính cách lịch sử này cho thấy đứng về mặt ngoại giao thì đây là cái “bạt tai” rất mạnh về mặt chính trị với Hà Nội…

Đó là ý kiến từ bên ngoài với tiến sĩ Âu Dương Thệ. Với ý kiến phát xuất từ “nội tình đảng”, ông Lê Hồng Hà, một nhà quan sát thời cuộc đưa ra cái nhìn từ bên trong.
Ông Lê Hồng Hà: Việc đi Mỹ tới đây của ông Minh Triết là nằm trong đường lối nhằm cải thiện quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, như thế là có lợi cho đất nước, cho nên việc đi Mỹ của ông Triết là nằm trong đường lối cơ bản của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại.

Cũng lại phải nói trong đất nước Việt Nam trong các cơ quan kể cả các cơ quan lãnh đạo có những xu thế, có những lực lượng không muốn tăng cường quan hệ Việt - Mỹ, nhưng mà hiện nay chủ trương việc ông Minh Triết đi Mỹ là được thống nhất. Việc Tổng thống Bush mời ông Minh Triết đi Mỹ cũng là vì lợi ích của nước Mỹ và cùng có lợi cho cả hai bên.

Gần đây có xảy ra việc ông Tổng thống Bush mời 4 người Mỹ gốc Việt lên Tòa Bạch Ốc, gửi thư cho ông Đỗ Nam Hải mời tham dự… rồi có dư luận thúc đẩy đưa Việt Nam trở lại danh sách những quốc gia đặc biệt quan tâm về thành tích đàn áp tôn giáo CPC.
Theo tôi biết ông Minh Triết cũng biết việc đi Mỹ của ông ấy sẽ gặp hai khó khăn rất lớn, khó khăn thứ nhất là phản ứng không thuận từ phía các cơ quan hành pháp và luật pháp của Hoa Kỳ và khó khăn thứ hai là phản ứng của người Việt ở bên Mỹ chuẩn bị khi ông Triết sang là có những “đón tiếp” không được thuận lắm…

Hành động “chịu đựng”

Bối cảnh chuyến đi của ông Triết được xem là không mấy thuận nhưng theo ý kiến của một số nhà quan sát tình hình Việt Nam thì việc ông Minh Triết có mặt tại Hoa Kỳ là một hành động “chịu đựng” trên phương diện ngoại giao và nhất là trong chuyến đi này “thành tích” đàn áp dân chủ và nhân quyền của Việt Nam cũng sẽ được nói đến trong nghị sự. Về vấn đề này từ trong nước ông Lê Hồng Hà đưa ra cái nhìn.

Ông Lê Hồng Hà: Ông Minh Triết biết những khó khăn đó nhưng ông Triết vẫn quyết tâm đi. Việc Hoa Kỳ có những sức ép về quá trình dân chủ hóa đất nước Việt Nam. Theo tôi việc đấu tranh để dân chủ hóa đất nước là trách nhiệm của nhân dân Việt Nam, của các lực lượng tiến bố trong các tầng lớp của nhân dân Việt Nam.

Còn những tác động của bên ngoài dù là của chính phủ Hoa Kỳ đi nữa thì chỉ là những tác động hỗ trợ bên ngoài thôi chứ không có tính chất quyết định. Theo tôi, trong quan hệ giữa Hoa Khoa Kỳ và Việt Nam đã trải qua hàng chục năm lịch sử trước đây mà hơi một tí là dọa trừng phạt thế này thế kia… thì đối với nước Việt Nam này chưa chắc đã có lợi…
Chính phủ Hoa Kỳ muốn có tác động cho quá trình dân chủ hóa Việt Nam thì nên thay đổi phương thức. Thay đổi như thế nào? nếu chính phủ Hoa Kỳ muốn tham khảo thì cái đó sẽ nói sau…
Cần phải có phương thức đúng hỗ trợ cho quá trình đấu tranh dân chủ chứ không phải chính phủ Hoa Kỳ làm hộ cho nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh dân chủ hóa cho Việt Nam đâu, làm hộ không được đâu.

Sự “chịu đựng” về phương diện ngoại giao trong “chủ trương” của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội thì chuyến đi này còn có yếu tố “cân bằng cán cân” giảm thiểu những áp lực trong quan hệ Bắc Kinh – Hà Nội. Về vấn đề này từ bên ngoài ông Âu Dương Thệ đưa ra cái nhìn
Ông Âu Dương Thệ: Nếu chúng ta để ý trong lịch sử ngoại giao của chế độ, ít nhất đã có hai lần họ “nuốt hận” để thực hiện mục tiêu chiến lược cứu vãn chế độ.
Lần thứ nhất là ngày (14-09-1946) sau mấy tháng đàm phán ở Paris không có kết quả đang đêm ông Hồ Chí Minh đã phải đến gõ cửa nhà riêng của bộ trưởng thuộc địa Pháp Marius Moutet để xin kí bản Tạm ước. Mục đích của bản tạm ước này là để chính quyền còn non của ông Hồ Chí Minh có đủ thì giờ thanh toán những nhân vật và đoàn thể không cộng sản lúc đó.

Lần thứ hai là vào đầu tháng 9-1990, họ đã “nhịn nhục” bất kể tới quốc thể, khi Đỗ Mười kéo cả đoàn gồm Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng bí mật sang Thành Đô - Trung Quốc xin cầu hòa với Bắc kinh, khi Liên Xô gần sụp đổ.

Liệu lần thứ ba này nhịn nhục để cử ông Nguyễn Minh Triết sang Washington nhờ đối thủ cũ giúp, kết quả như thế nào thì phải đợi ít ngày nữa. Trong ngoại giao thì bao giờ cũng có đi có lại.
Có tin là Hà Nội đã đặt cả tỉ đôla để mua máy bay Boeing của Mỹ. Do nhu cầu chiến lược, Tổng thống Bush cũng muốn mở rộng thế lực ở Việt Nam và Đông Nam Á để ngăn chặn ảnh hưởng đang lên của Bắc Kinh.

Quan hệ Bắc Kinh – Hà Nội – Washington

Trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cụ thể liên quan đến chuyến đi này, cách đây không lâu việc ông Nguyễn Minh Triết cầm đầu một phái đoàn sang Trung Quốc cũng là một “điểm nhấn” đáng chú ý trong khi cách đây không lâu, sau chuyến công du Hoa Kỳ của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Gia Khiêm.

Ngay sau khi từ Washington trở về ông Phạm Gia Khiêm đã bay sang Bắc Kinh trong một chuyến đi mà báo chí Việt Nam gọi là “quan hệ Bắc Kinh – Hà Nội ở một tầm cao mới”. Những dấu hiệu này hiện vẫn là những “uẩn khúc trong hành trang” về chuyến đi Hoa Kỳ của ông Nguyễn Minh Triết.

Liệu chuyến đi này hai bên có đạt được những thoả thuận về thương mại, ông Âu Dương Thệ đưa ra cái nhìn trước khi đóng lại phần nhận định trong–ngoài nước về chuyến công du của ông Nguyễn Minh Triết như sau.

Ông Âu Dương Thệ: Ông Triết sang thăm Hoa Kỳ lúc này không phải là phía những người cấp tiến trong đảng Cộng sản Việt Nam thắng thế, nhưng phải nói đây là quyết định chung được đại đa số trong Bộ chính trị đồng ý, kể cả những phần tử bảo thủ.

Vì ngoài mục tiêu chiến lược trước mắt là “ổn định chính trị“ trong nước bằng cách đàn áp những người đối kháng, họ còn chủ trương sách lược đối ngoại tìm một thế lực quốc tế đủ mạnh để cản sức ép ngày càng lớn của Bắc Kinh. Bởi vì, muốn giữ tăng trưởng kinh tế cao 8% hàng năm thì Việt Nam phải có nguồn điện lực rất lớn. 1/6 điện lực của Việt Nam đang phải nhập cảng từ Trung Quốc.

Điều này rất nguy hiểm. Mặt khác, tuy Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Vi ệt Nam nhưng lại là một đối tác bất lợi nhất cho Việt Nam. Thêm vào đó Bắc Kinh còn gây sức ép rất lớn với Hà Nội trong Vịnh Bắc bộ và Biển Ðông.
Thí dụ mới nhất là vài hôm trước công ty sản xuất dầu hỏa lớn BP của Anh vì áp lực của Bắc Kinh đã phải ngưng việc tìm kiếm đầu khí ở quần đảo Trường sa.

Vì thế, một trọng tâm chính chuyến thăm Mỹ của ông Triết là lãnh vực kinh tế thương mại. Ưu tiên của Hà Nội là mong Hoa Kỳ giúp đầu tư lập nhà máy nhiệt điện và giúp kĩ thuật trong việc lập nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam.
Nếu dựa vào Hoa Kỳ để lập nhà máy điện nguyên tử thì Việt Nam có thể tránh được áp lực của Bắc Kinh và không bị dư luận quốc tế nghi ngờ và phản đối như trường hợp của Bắc Hàn và Iran hiện nay.

Thế vừa rồi là những ghi nhận trong ngoài nước qua cái nhìn của ông Lê Hồng Hà từ Việt Nam, ông Âu Dương Thệ từ Cộng hoà Liên Bang Đức liên quan đến chuyến công du của Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ.
Việt Hùng, đài Á châu Tự do.
Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Cộng đồng người Việt tại Mỹ biểu tình nhân chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Minh Triết
Giải pháp nào sẽ đem nhân quyền đến với Việt Nam?
Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 14-6-2007)
Hoa Kỳ và Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại nhân chuyến công du của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết
VN và Mỹ sẽ ký Hiệp định Thương mại Đầu tư nhân chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết
Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác phòng chống ma túy
Tổng thống Bush kêu gọi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến trên thế giới, cả ở Việt Nam
Tổng thống Bush sẽ nêu vấn đề đàn áp đối lập với Chủ tịch Việt Nam
Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 7-6-2007)
Gửi trang này cho bạn

No comments: