Wednesday, June 20, 2007

Nỗi Nhục Quốc Thể?

Nỗi Nhục Quốc Thể?

Việt Báo Thứ Ba, 6/19/2007, 12:02:00 AM

Kể từ ngày 18/6/2007, ông Nguyễn Minh Triết sẽ công du Hoa Kỳ với tư cách đại diện cho nước CHXHCNVN. Là vị nguyên thủ quốc gia, đúng ra chuyến công du của ông phải được đón tiếp nồng hậu với chuỗi chương trình đầy vui tươi, lợi ích và ý nghĩa. Thực tế hoàn toàn ngược lại! Nỗi Nhục Quốc Thể đã tràn lan trước ngày ông lên đường. Tại sao?

Đầu tiên, chỉ vì ông không phải là người được nhân dân tín nhiệm bầu lên. Chức vụ hiện nay của ông Triết là nhiệm vụ do đảng độc tài cầm quyền chỉ định. Trong hơn 32 năm qua, đảng cầm quyền (mà ông trực thuộc) đã cai trị và sống trên nỗi nhục nhằn, đau thương của nhân dân. Gần đây nhất, đảng độc tài đó đã đàn áp những người ôn hoà bất đồng chính kiến một cách thô bạo. Hình ảnh phiên toà lịch sử ngày 30/3/2007 đã cô đọng và thể hiện bản chất của toàn chế độ.

Cùng lúc đó, cảnh cán bộ quan chức nhan nhản sống giàu sang cực độ và ăn chơi phè phỡn, trong lúc hàng chục triệu đồng bào không đủ cơm ăn áo mặc, đến nỗi có hàng chục ngàn thiếu nữ phải đem thân đổi lấy miếng cơm một cách nhục nhã.

Bởi thế, quan chức các cấp của một nhà nước có hàng triệu đảng viên, bộ đội vẫn không thể tìm được cảnh bà con người Việt ở nước ngoài có thái độ long trọng đón tiếp, dù là ở một thành phố nhỏ, trong suốt hơn ba mươi năm qua. Những người lãnh đạo các cấp của nhà nước đồng thời cũng không thể được ung dung gặp gỡ đại diện chính quyền các nước, dù là xứ nào. Thực tế chứng minh là từ trước đến nay, mỗi lần lãnh đạo nước CHXHCNVN công du, là mỗi lần ôm nhục quốc thể trước mắt ngoại nhân: phải lòn đi cửa sau, phải tìm đường né tránh Việt kiều, v.v…

Thái độ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài không do lực lượng thù địch nào khích động. Thực tế, chính đảng CSVN đã gây nên thái độ chống đối quyết liệt đó. Nó phát xuất từ cảnh thống khổ của hàng trăm ngàn người bị lừa đi tù cải tạo. Nó tiếp nối bởi sự đau thương của hàng trăm ngàn người bị bỏ thây, làm nhục trên đường vượt biên tìm tự do. Nó kéo dài bởi sự đàn áp thô bạo, nhắm vào những nhà đối lập ôn hoà chỉ muốn đất nước thật sự có dân chủ tự do. Nó lan rộng hơn khi đảng cầm quyền ra lệnh cho bộ máy nhà nước thẳng tay trù dập những người dân oan, chỉ vì muốn đòi lại mảnh đất nhỏ bé do cha ông họ để lại. Và nó lớn mạnh hơn, khi những người cầm quyền đã ngang nhiên ăn cắp của công và ăn cướp của dân. Nói tóm lại, chính sự tàn ác và bất công của chế độ đã khiến những con dân Việt Nam sống cách xa quê hương nửa vòng trái đất phải chống đối, phải nguyền rũa những người đang mang tư cách đại diện cho nơi chôn nhao cắt rốn của mình.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài không quá khích chống lại tổ quốc như báo chí nhà nước CSVN xuyên tạc. Ngược lại, những người Việt xa xứ rất yêu quê hương và có nhiều tình cảm với cố quốc. Số lượng Việt kiều về thăm quê hằng năm chứng tỏ được điều này. Số tiền 4-5 tỉ đô hàng năm gửi về quê nhà đã minh chứng thêm. Cùng lúc đó, sự nhiệt tình yểm trợ cho những người đấu tranh cô thế ở bên nhà, càng chứng tỏ được tấm lòng thiết tha đến vận mệnh nước nhà của những người xa xứ.

Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ phản ứng quyết liệt với người đại diện nước CHXHCNVN, chỉ vì nhà nước này đã không đối xử một cách tử tế với nhân dân, và rõ ràng là thiếu thái độ văn minh với những người bất đồng chính kiến. Hậu quả của phản ứng đó là sự nhục nhã và thất bại mà ông Nguyễn Minh Triết phải gánh chịu.

Hậu quả thứ nhất là, ông Nguyễn Minh Triết chưa lên đường mà đã nhìn thấy đầy dẫy dấu hiệu nhục nhã.

Nhục nhã đầu tiên cho chế độ, là việc Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đón tiếp bốn nhà tranh đấu nhân quyền một cách trang trọng vào ngày 31/5/2007, hơn cả lần tiếp đón ông Phan Văn Khải vào hai năm trước, và phần lớn là cũng sẽ trang trọng hơn lần đón ông Triết.

Nhục nhã thứ hai cho chế độ, là lời phát biểu “Trong con mắt của Hoa Kỳ, những nhà đối kháng dân chủ hôm nay, là những lãnh đạo dân chủ của ngày mai. Vì vậy chúng tôi đang tiến hành nhiều bước mới để củng cố sự hỗ trợ của chúng tôi.” của Tổng thống Bush tại Hội nghị Prague về dân chủ toàn cầu được tổ chức tại Tiệp Khắc vào ngày 5/6/2007.

Nhục nhã thứ ba cho chế độ, là những lời lẽ lên án tội ác Cộng sản một cách nặng nề của Tổng thống Bush, khi ông tham dự lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản tại Washington, D.C. vào sáng ngày 12/6/2007.

Nhục nhã thứ tư cho chế độ, là chưa có một quốc khách nào mà Toà Bạch Ốc lại công bố trước cung cách tiếp đón thật đơn giản như chương trình được dự trù dành cho ông Nguyễn Minh Triết, vị nguyên thủ của nước CHXHCNVN.

Hậu quả thứ hai cho chế độ là, ông Nguyễn Minh Triết chưa lên đường mà đã nhìn thấy đầy dẫy dấu hiệu thất bại.

Những người Việt xa xứ sẵn sàng bỏ công ăn việc làm, lái xe hàng ngàn cây số để đến thủ đô Hoa Kỳ, góp một tiếng nói phản đối sự đàn áp thô bạo mà nhà cầm quyền đối với các chiến sĩ dân chủ ôn hoà ở Việt Nam.

Ở những nơi ông dự trù đặt chân đến, chưa biết chương trình sinh hoạt cụ thể của ông Triết ra sao, nhưng cộng đồng người Việt ở những nơi đó đã sẵn sàng nghênh đón với rừng biểu ngữ phản đối, lên án chế độ.

Mặt khác, kể từ ngày có tin ông công du Hoa Kỳ đến nay, báo chí quốc tế đã có nhiều bài bình luận đầy ác cảm với nhà cầm quyền Việt Nam, khi có dịp nói đến chuyến đi của ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Tóm lại, đáng tiếc là cá nhân ông Triết phải gánh chịu hết những nỗi phẩn uất mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài trút đổ vào ông, chỉ vì ông đại diện cho chế độ bạo ngược đó.

Dù vậy, ông Nguyễn Minh Triết cũng vẫn có thể có một cơ hội để được đối xử tử tế. Đó là, khi ông sẽ mạnh dạn đối thoại với cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong chuyến công du này, để lắng nghe lời trình bày và nguyện vọng của những người xa xứ bất đồng chính kiến. Nhưng trước hết, ông cần thuyết phục Bộ Chính Trị trả tự do ngay cho hàng trăm người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, và hai thành viên của Đảng Vì Dân vừa mới bị bắt giữ vào tháng 5/2007 là ký giả Trương Minh Đức và sinh viên Đặng Hùng.

Những người Việt ở nước ngoài ước mong là đất nước sẽ sớm được có dân chủ tự do, để những con dân xa xứ có thể mừng vui đón tiếp những người lãnh đạo các cấp của đất nước trong mỗi chuyến công du. Trong bối cảnh đó, cộng đồng người Việt ở khắp nơi, thay vì tổ chức phản đối, hạch tội, v.v… sẽ nhộn nhịp cảnh đưa rước phái đoàn nước nhà đi gặp các cơ quan bản xứ, để cùng vận động trợ giúp cho quê hương. Ở những giờ phút đó, những biểu ngữ chào mừng và ly rượu champagne sẽ thay thế cho những lời phản đối và nguyền rũa vang động cả thế giới.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài không chống lại Tổ Quốc, chỉ có đảng CSVN vẫn còn muốn phân biệt đối xử với những người bất đồng chính kiến mà thôi.

Ngày nào nhà nước Việt Nam hết đàn áp và bất công, ngày đó sẽ hết cảnh những người lãnh đạo Việt Nam bị biểu tình chống đối và cô lập nặng nề ở nước ngoài.

Nếu cảnh người đại diện Việt Nam bị xua đuổi kịch liệt ở nước ngoài là một mối nhục quốc thể, thì đó là hậu quả trách nhiệm do chính đảng CSVN gây ra vậy!

(ĐVD -- www.dvdvn.org )

No comments: